Thương mại điện tử không còn là kênh mua sắm xa lạ với nhiều người. Thương mại điện tử đã hiện diện ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Tuy vậy, độ phủ sóng của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa cao, chủ yếu vẫn là lĩnh vực phát triển mạnh ở các khu vực thành thị.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lan rộng lại chính là tiền đề cho thị trường thương mại điện tử phát triển, mở ra nhiều cơ hội mới để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng. Ước tính chung năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Và dự kiến tốc độ tăng trưởng của năm 2021 còn lớn hơn. VECOM cũng dự báo quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đến năm 2025 ước đạt 52 tỷ USD.
Trên thực tế, loạt các trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo đang ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng, lượng hàng hóa bán ra cũng đa dạng, quy mô ngày càng lớn. Theo thống kê, có khoảng 68 triệu người Việt Nam đang dùng internet – là tiềm năng lớn cho thương mại điện tử phát triển.
Xem thêm: Doanh nghiệp nên đầu tư lớn cho chuyển đổi số
Đưa thực phẩm tươi ngon đến tận cửa nhà
Chị H, một người tiêu dùng ở Hà Nội cho biết, trước đến nay chị rất ít khi mua hàng online, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Tuy vậy, từ năm ngoái đến nay, khi dịch bệnh bùng phát, thói quen mua hàng online đã hình thành. Chị H kể “chỉ một số động tác click chuột, ngồi nhà chờ đợi và một vài tiếng sau, toàn bộ hàng hóa tôi cần đã được giao đến tận nhà, tươi ngon không khác gì tôi tự đi mua tại chợ/siêu thị”.
Khảo sát mới nhất của Nielsen Việt Nam cho thấy số người tiêu dùng mua sắm online tăng lên 25% trong năm qua, trong khi các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.
Các sàn thương mại điện tử cũng nhanh chóng nắm bắt thời cơ, Lazada, Shopee, Sendo, Tiki liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giao hàng miễn phí và tặng kèm các voucher giảm giá nhằm thu hút khách hàng, số đơn hàng tăng đột biến.
Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh, Vinmart, The CrownX tận dụng chính tiềm năng của mình để mở rộng, gia tăng các cửa hàng, đưa thương mại điện tử đển gần hơn với người tiêu dùng.
Hiện tại Masan đang sở hữu 3.000 cửa hàng bán lẻ, và dự kiến nâng số cửa hàng lên thành 30.000 vào năm 2025, trong đó có khoảng 20.000 cửa hàng nhượng quyền. Đối tượng khách hàng cũng ước tính tăng từ 9 triệu lượt người lên 30 triệu người.
Lãnh đạo Masan cho biết, để theo đuổi kế hoạch này, Masan Consumer – đơn vị có thế mạnh về sản xuất và bán lẻ (sở hữu Vnmarrt+ và VinEco) – thành lập The CrownX – The CrownX có trách nhiệm xây dựng hệ thống công nghệ hợp nhất giữa kênh bán hàng truyền thống và hiện đại.
Chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng đang tập trung kỳ vọng vào thị trường online ngoài các điểm bán hàng offline. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc của Bách Hóa Xanh, cho biết “chúng tôi đang sở hữu mạng lưới kho hàng phân tán dày đặc nhất nhì trong các mảng tạp hóa hiện nay.” Masan cũng đang quyết liệt hơn trong chiến lược đưa cửa hàng thiết yếu lên online sau khi sáp nhập hệ thống cửa hàng Vinmart.
Thương mại điện tử đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy vậy, để len lỏi về những vùng nông thôn, vẫn cần nhiều thời gian. Thế giới di động đã tiên phong mở các chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh về nhiều vùng miền khác nhau, Vinmart không chỉ có tại các đô thị lớn.
Sendo cũng chọn cho mình hướng đi cung cấp đa dạng các sản phẩm, nhất là trong thời gian gần đây, Sendo liên lục tung ra các chương trình giảm giá khủng về sản phẩm thời trang để thu hút chú ý, tuy nhiên các hoạt động chủ yếu là khuyến mãi (liên tục & quanh năm) là chưa đủ để tạo ra sự cộng hưởng và nhận biết mạnh mẽ cho người dùng.
Xem thêm: Marketing Online – Khởi nghiệp và kinh doanh thời Covid
Chiến lược nam châm
Các siêu thị, trung tâm thương mại đang áp dụng các chiến lược nam châm trong bán hàng nhằm mở rộng tệp khách hàng. Một trong những ví dụ điển hình là BigC với “thỏi nam châm” là những chiếc bánh mỳ. Những chiếc bánh mỳ BigC làm từ loại bột thượng hạng, giá rẻ, ngon đã thu hút lượng lớn khách hàng, gia tăng lưu lượng khách hàng đến mua các sản phẩm khác.
Các trung tâm thương mại luôn có các cửa hàng trà sữa được giới trẻ yêu thích như Hoi, hay các khu vui chơi, các cửa hàng đồ ăn nhanh KFC, McDonald’s…để thu hút khách hàng như một “thỏi nam châm”.
Hiện nay, Thế giới di động, The CrownX dùng chính các chuỗi cửa hàng của mình để làm “thỏi nam châm”. Với hàng ngàn cửa hàng lớn nhỏ khắp nơi trên cả nước, khách hàng đến với chuỗi Bách Hóa Xanh cũng có thể trải nghiệm thêm dịch vụ bán hàng online, thực phẩm tươi ngon được giao đến tận nhà chỉ sau một thời gian ngắn.
Đặc biệt, khi xuất hiện ở khắp nơi, chuỗi bán hàng online này còn có thể giúp khách hàng “đi chợ” giúp người thân. Chị Q, sống và làm việc tại Hà Nội cho biết, tuần 1 đến 2 lần chị “đi chợ” giúp mẹ chị ở quê tận Bắc Giang. Các mặt hàng thiết yếu đầy đủ, chị mua từ thịt cá đến rau củ quả. Các cửa hàng gần nhà bố mẹ chị nhất sẽ nhận nhiệm vụ giao hàng nhanh chóng nhất đến với người tiêu dùng.
Cũng như Bách hóa xanh, The CrownX có lợi thế với hàng chục ngàn cửa hàng Vinmart ở khắp nơi, lượng khách hàng lớn. Ông Trương Công Thắng, CEO của The CrownX cho biết công ty này hướng đến xây dựng mô hình bán lẻ kết hợp xuyên suốt từ offline đến online – xây dựng một “Point of Life” để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. Theo mô hình này, ước tính người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% và đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.
Xem thêm: 10 kỹ năng kinh doanh cần chuẩn bị cho năm 2021
Thương mại điện tử đang hút vốn khủng
Sự hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Hiện nay, cả 4 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất là Shoppe, Lazada, Tiki và Sendo đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, tại Tiki, có nhiều tên tuổi xuất hiện như VNG (Việt Nam), quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ EDBI của Singapore, JD.com của Trung Quốc và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật như CyberAgent Ventures, Sumitomo…
Trong khi đó, Shopee nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty SEA (Singapore). Tencent (công ty công nghệ của Trung Quốc) đang là cổ đông lớn nhất của SEA – công ty mẹ của Shopee với 40% cổ phần. Cổ đông kiểm soát tại Lazada là Alibaba. Ngoài Alibaba, trong số các cổ đông khác của Lazada còn có quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore. Tại Sendo, nhà đầu tư trong nước nắm gần 35% cổ phần, trong khi 16 cổ đông ngoại sở hữu hơn 65% cổ phần.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế
Khatech Academy
TP. HCM: 208 Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông , Quận 7. Số 41 Đ2KDC Jamona Golden Silk
TP. Nha Trang: 43 Lê Hiến Mai (A5), P. Phước Hải, TP. Nha Trang
Điện thoại: 090.1919.787 – 0982.546.909
Email: info@khatech.com
Kết nối với chúng tôi qua:
Bài viết mới
KHOÁ HỌC AIMO – ỨNG DỤNG AI TRONG MARKETING ONLINE
KHÓA HỌC AI MASTER – TĂNG HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC VÀ THU NHẬP
Khóa Học Thiết kế Đồ Họa Quảng Cáo