Nền công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới, nhưng chưa phải ai cũng hiểu rõ cách mạng công nghiệp 4.0 là gì.
Định nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?
Thời gian qua chúng ta ngày càng nghe nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0 hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như một xu thế mà Việt Nam cần phải nắm bắt thời cơ cùng với thế giới, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì. Hãy cùng ICTnews điểm lại định nghĩa về xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 qua tài liệu và ý kiến đóng từ các hội thảo, diễn đàn mở.
Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới WEF mang đến cái nhìn đơn giản về Cách mạng công nghiệp 4.0 với khái niệm như sau: “Nếu như Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất; thì bây giờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,… tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp 4.0 (tiếng Anh là Industry 4.0) bao gồm sự xuất hiện của công nghệ Internet Vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot, máy in 3D, vật liệu mới, công nghệ nano cùng đột phá về nhận thức trong những quy trình sinh học.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà kinh tế trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực cụ thể như: sản xuất – tự động hóa, giao thông, tài chính – ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất – vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.
Ông Klaus Schwab cũng từng phát biểu: “Một đặc tính của cuộc cách mạng 4.0 đó là không phải đơn thuần nó chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm, mà thực sự, nó thay đổi chính chúng ta”.
Việt Nam đang đón nhận xu hướng công nghiệp 4.0 như thế nào?
Ở Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường xuyên có thông điệp yêu cầu thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các hội nghị, hội thảo, diễn đàn… Và đến tháng 5/2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị cụ thể số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho sự tăng tốc phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Nền công nghiệp 4.0 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới với các công nghệ thông minh như: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hoá, công nghệ in 3D và người máy,… “Không nằm ngoài guồng quay, các doanh nghiệp Việt Nam cần có một lộ trình cụ thể để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Trong chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành (CEO) – Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0” cho 250 CEO doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội hồi tháng 10/2017 vừa qua, ông Trương Gia Bình cũng đã chia sẻ về thực tiễn tham gia cuộc cách mạng số của FPT trong những năm qua, đồng thời hé lộ và phân tích những kinh nghiệm thực tế đã giúp FPT trở thành đối tác của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy bay, năng lượng, ô tô…
Những doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT – VinaPhone hay MobiFone bên cạnh hứa hẹn về phát triển mạng 4G, 5G hay mạng cáp quang để làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cũng đã có những cam kết phát triển đô thị thông minh ở các thành phố lớn của nước ta.
Trong khi đó trong Hội thảo Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF tổ chức ngày 17/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu rõ ràng rằng do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhưng khẳng định “cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là rất lớn”, phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.
Tuy nhiên cũng sẽ có những vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 cần được các chuyên gia giúp Chính phủ làm rõ như: giảm bớt các xáo trộn, chuyển dịch lao động ở quy mô lớn khi các mô hình kinh doanh mới ra đời, xu hướng tự động hóa phát triển; đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng và năng lực đổi mới – sáng tạo; kiến tạo môi trường phát triển toàn diện, mang tính phổ cập giữa các vùng miền, để mọi người dân được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau; nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh cần phải kiểm soát tốt.
Anh Hào (Tổng hợp)
Khatech Academy
TP. HCM: 208 Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông , Quận 7. Số 41 Đ2KDC Jamona Golden Silk
TP. Nha Trang: 43 Lê Hiến Mai (A5), P. Phước Hải, TP. Nha Trang
Điện thoại: 090.1919.787 – 0982.546.909
Email: info@khatech.com
Kết nối với chúng tôi qua:
Bài viết mới
Thuê Tài Xế Chở Về – Giải Pháp An Toàn Sau Mỗi Buổi Tiệc
KHOÁ HỌC AIMO – ỨNG DỤNG AI TRONG MARKETING ONLINE
KHÓA HỌC AI MASTER – ỨNG DỤNG AI TĂNG X5 HIỆU QUẢ CÔNG VIỆC