Digital Marketing là một khái niệm đang trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, đặc biệt là các Marketer. Digital đòi hỏi khá sâu về công nghệ, thể hiện sự năng động và sự chuyển biến chóng mặt. Điều này đã khiến cho những người làm Marketing ngày càng phải cố gắng bắt kịp các xu hướng và cập nhật về công nghệ để không bị lỗi thời. Vậy trong năm 2020 tới đây, các Marketer cần quan tâm những gì về xu hướng Digital để có thể thực hiện những chiến lược quảng bá hiệu quả? Dưới đây là 5 xu hướng Digital Marketing  được dự đoán sẽ “thống trị” trong năm 2020.

1. Xu hướng định dạng nội dung Short video (video ngắn), vertical video (video theo chiều dọc)

Nền công nghệ phát triển, các thiết bị điện tử – đặc biệt smartphone ngày càng cập nhật những cải tiến mới nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng lên nhanh chóng, kéo theo đó là hành vi xem video dọc trên điện thoại cũng ngày càng phổ biến được nhiều người ưa thích, dự báo năm 2020 sẽ là năm của xu hướng định dạng nội dung Short video (video ngắn), vertical video (video theo chiều dọc) sẽ thống trị trong năm nay.

Minh chứng thành công nhất trong định dạng nội dung này là mạng xã hội Tik Tok và IGTV – những sân chơi mới được giới trẻ gen Z, gen Y cực kỳ yêu thích. Loại hình content video trên nền tảng này có độ dài nội dung ngắn, sáng tạo, cập nhật nhiều xu hướng mới của giới trẻ và mang tính giải trí cao, được thể hiện qua hình thức phong phú, vậy nên rất dễ cuốn người xem.

Bên cạnh đó, quảng cáo Audio cũng được dự đoán là loại hình đầy tiềm năng trong năm 2020 khi những ứng dụng nghe nhạc online như Spotify và MP3 Zing ngày càng được ưa chuộng. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng smartphone để nghe nhạc chiếm tới 78% và 68% trong đó vừa nghe nhạc vừa làm các việc khác trên điện thoại. Quảng cáo Audio đã chứng minh được sự ảnh hưởng mạnh mẽ, giúp người nghe ghi nhớ thông tin nhanh hơn và dài hơn. Với nội dung quảng cáo Audio 30 giây, các thương hiệu có thể truyền tải thông điệp nhanh và ngắn gọn nhất, và số lượng từ nên nằm trong khoảng từ 55-70.

2. Xu hướng mua/bán hàng trên các mạng xã hội

Nhu cầu mua hàng trực tuyến trên nền tảng MXH đang tăng lên từng ngày bởi sự tiện lợi, nhanh gọn, mua hàng chỉ bằng một click chuột mà không cần đi đâu xa. Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng trực tuyến cũng lên ngôi và ngày càng phổ biến trong cuộc sống người dùng.

Lướt một vòng trên Facebook hay Shopee rất nhiều sản phẩm được bày bán như quần áo, giày dép, bỉm sữa, mỹ phẩm…thật dễ dàng cho người dùng để sở hữu một sản phẩm yêu thích. Những gian hàng ảo này được đầu tư khá kỹ càng trong việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm bằng những hình ảnh bắt mắt cùng với những dòng chào mời đầy hấp dẫn. Khách hàng dựa trên hình ảnh, thông tin sản phẩm có thể lựa chọn sản phẩm thanh toán trực tuyến.

Các doanh nghiệp hoặc chủ shop có thể đăng tải hình ảnh sản phẩm với giá tiền như một bài đăng bình thường, để người dùng có thể xem giá một cách dễ dàng và mua chỉ với một cú click chuột. Tính năng này giúp các thương hiệu có được tới lượng khách hàng mới một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, cắt giảm công đoạn trong phễu bán hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Hiện nay, các MXH như Facebook, Instagram và Pinterest đều cung cấp tính năng này. Nếu bạn kết hợp giữa mong muốn của người dùng về sự thuận tiện với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của họ thì đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán hàng trên những nền tảng MXH là điều không thể thiếu.

Với hàng tỷ người dùng phương tiện truyền thông xã hội trên toàn thế giới hiện nay, thật dễ dàng để các công ty thương mại điện tử sử dụng hình thức này để quảng bá và bán sản phẩm trực tuyến. Nhiều công ty cũng đang cơ cấu lại các quy trình mua bán trực tuyến cho người dùng, nhằm hạn chế tối đa nhất hành động bỏ giỏ hàng giữa chừng trong quá trình mua, nâng cấp hệ thống cũng như tối giản quá trình đặt mua hàng nhằm hướng đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

3. Xu hướng sử dụng Micro – Influencer

Micro-influencer (tạm dịch: những người có tầm ảnh hưởng trong một nhóm nhỏ) là những cá nhân giống như chúng ta, đang công tác hoặc có một sở thích đặc biệt về một lĩnh vực nào đó. Họ có thói quen đăng những nội dung có liên quan đến sở thích hay chuyên môn của mình trên mạng xã hội.

Thống kê cho thấy là những influencer sở hữu cộng đồng từ 30.000 follower trở xuống thường có lượng tương tác trung bình lớn hơn 60% so với người nổi tiếng hay các macro – influencer, trong khi chi phí lại rẻ hơn từ 6 đến 7 lần.

Micro-Influencer có ưu điểm vượt trội  là nhắm vào 1 tệp khách hàng cực kỳ chuẩn xác. Bởi những người này thường có phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn, chính bởi vậy mà nhóm khách hàng cũng thu hẹp lại. Cho nên việc nhắm vào đối tượng khách hàng ở phạm vi hẹp hơn cũng là ưu thế đầu tiên. So với Macro-Influencer hay KOLs thì đây là công cụ Influencer Marketing có chi phí ngân sách khá thấp, phù hợp với các doanh nghiệp SMB hoặc những doanh nghiệp muốn nhắm đến 1 nhóm khách hàng cụ thể. Thêm vào đó, Micro-Influencer có lượng tương tác với khách hàng cực kỳ cao, chính bởi vậy mà đây cũng là lý do khiến cho thông điệp của nhãn hàng được truyền tải một cách khá rõ nét và hiệu quả.

4. Xu hướng marketing dựa trên dữ liệu

Năm 2020 là năm mà các Marketer cần tập trung vào dữ liệu và công nghệ. Cùng với Marketing tự động hóa, chúng trở thành những công cụ mạnh mẽ để thực hiện các chiến dịch Marketing cá nhân hóa.

Marketing cá nhân hóa là việc thực hiện các chiến lược Marketing với nội dung cá nhân hóa khác nhau cho từng nhóm khách hàng tiềm năng khác nhau thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu trên thói quen của người dùng qua các nền tảng. Dữ liệu đó sẽ giúp các Marketer vẽ lên được chân dung khách hàng cụ thể chi tiết, từ đó đưa ra những chiến dịch đến đúng đối tượng, với đúng thông điệp, vào đúng thời điểm.

Hiện nay, trước vô vàn thông tin quảng cáo đa dạng liên tục được đăng tải, khách hàng dễ bị nhàm chán và phản cảm với quảng cáo. Để gây ấn tượng, hãy làm truyền thông với những thông điệp mang tính cá nhân cao, đáp ứng được nhu cầu của bản thân thay vì những thông điệp chung chung.

5. Xu hướng content tương tác

Việc quảng cáo xuất hiện hàng ngày, hàng giờ khiến người dùng dễ bị bội thực thông tin, họ có thể bỏ qua quảng cáo 1 cách dễ dàng. Vậy quảng cáo nào khiến cho khách hàng hứng thú mà nán lại? Đó là interactive content content mang tính tương tác sẽ đem tới “luồng gió mới” và hứng thú cho khách hàng với những nội dung có thể tương tác được.

Livestream được cho là hình thức tiếp thị tương tác hiệu quả nhất, đặc biệt là kết hợp với các streamer, micro influencer để livestream, quảng bá sản phẩm đang là xu hướng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Chính vì sự mới mẻ và tính tương tác cao, interactive content sẽ thúc đẩy các hành động tương tác với bài viết như react, chia sẻ hay thảo luận từ phía người xem, góp phần làm tăng nhận diện thương hiệu của nhãn hàng.

Tạm kết

Với sự bùng nổ của thông tin và đổi mới nhu cầu hằng ngày của con người buộc những người làm truyền thông phải không ngừng sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm quảng cáo Digital độc nhất, trúng insight và tăng độ phủ thương hiệu cho doanh nghiệp. Hy vọng với 5 xu hướng trên sẽ giúp bạn có được chiến lược truyền thông đúng đắn và hiệu quả trong năm 2020.

Nguồn: MarketingAI

Khatech Academy

TP. HCM: 208 Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông , Quận 7. Số 41 Đ2KDC Jamona Golden Silk
TP. Nha Trang: 43 Lê Hiến Mai (A5), P. Phước Hải, TP. Nha Trang
Điện thoại: 090.1919.7870982.546.909
Email: info@khatech.com