Thời gian chúng ta làm việc hiệu quả nhất trong ngày không đồng nghĩa với lúc chúng ta sáng tạo nhất, bởi vì năng suất làm việc tối ưu và thời điểm đạt mức sáng tạo cực đại của mỗi người thường không trùng nhau.

Đó là năm 1869, trong phòng nghiên cứu của mình, nhà khoa học Dmitri Mendeleev đang tập trung tìm kiếm những nguyên tắc để sắp xếp các nguyên tố hóa học theo một trật tự có ý nghĩa. Việc tìm kiếm này dường như là nỗi ám ảnh to lớn đối với Mendeleev vì ông đã dành nhiều năm trời nghiên cứu nhưng nó vẫn như một bài toán cứng đầu không có lời giải. Một ngày nọ, ông quyết định viết tất cả các nguyên tố lên các tấm thẻ ghi chú, mỗi tấm thẻ chứa đựng tên và thuộc tính của một nguyên tố nhất định, ông di chuyển các tấm thẻ khắp phòng thí nghiệm, sắp xếp chúng theo nhiều mô hình khác nhau cho đến khi tuyệt vọng và ngủ gục trên bàn làm việc của mình. Khi tỉnh dậy, bất ngờ thay, ông đã biết được lời giải cho bài toán hóc búa đó. Tiềm thức của Mendeleev trong lúc ngủ đã sắp xếp các tấm thẻ đúng theo cách mà ông đang tìm kiếm bấy lâu.

“Trong giấc mơ, tôi thấy một cái bàn nơi tất cả các nguyên tố nằm theo các vị trí hết sức hợp lý và logic. Khi tỉnh dậy, tôi vội viết chúng ra giấy ngay.” ông nói.

Và như thế đấy, đó là cách mà Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đã ra đời.

Như bạn thấy đấy, thực tế đã có rất nhiều ý tưởng đột phá và sáng tạo nảy ra trong những lúc chúng ta không ngờ tới, như khi ngủ, đi bộ, tắm hoặc ngồi suy nghĩ thẩn thơ. Nhưng trông chờ những lúc như vậy để tìm được những phát kiến hay ho thì không đáng tin cậy và không thể kiểm soát được. Vì vậy, tôi quyết định tìm hiểu xem có những cách nào có thể khai thác tiềm năng sáng tạo dưới sự điều khiển của ý thức hay không, và may mắn thay, tôi đã tìm được sáu cách thức giúp chúng ta tự luyện tập và chủ động thực hiện để có thể phát huy sự sáng tạo của mình. Và mỗi cách thức đều có những nghiên cứu khoa học chứng minh tính hiệu quả của nó luôn đấy nhé. Rất đáng để bạn thử đấy.

#1: ĐỪNG QUÁ TẬP TRUNG VÀ NHẬN BIẾT KHUNG GIỜ VÀNG CỦA BẢN THÂN

Nếu bạn đang cần tìm kiếm ý tưởng mới, thì cách tốt nhất để đạt được điều đó là đừng làm việc gì cả. Nghe có vẻ khó hiểu nhỉ, nhưng não bộ của chúng ta luôn có lý lẽ riêng của nó, nếu bạn càng cố gắng tập trung, khả năng cao là bạn sẽ tự đẩy bản thân mình vào ngõ cụt. Trong quyển sách Imagine: How Creativity Works (tạm dịch: Hãy tưởng tượng: Trí sáng tạo hoạt động như thế nào), tác giả Jonah Lehrer miêu tả rằng cảm xúc và trí tuệ khi thư giãn sẽ phát triển nhiều hơn là khi tập trung cao độ.

Theo giáo sư tâm lý học Sian Beilock (Đại học Chicago), tính sáng tạo của một người hoàn toàn có thể bị kìm hãm nếu họ sử dụng quá nhiều sức lực trong một quãng thời gian nhất định. Giáo sư khẳng định rằng thời gian chúng ta làm việc hiệu quả nhất trong ngày không đồng nghĩa đó là lúc chúng ta sáng tạo nhất, bởi vì năng suất làm việc tối ưu và thời điểm đạt mức sáng tạo cực đại của mỗi người thường không trùng nhau. Ví dụ như những “morning person”, tuy họ là những người làm việc cực kì hiệu quả vào buổi sáng nhưng “điểm rơi sáng tạo” của họ lại thường vào buổi chiều hoặc tối muộn. Vì thế, nếu những “morning person” này cố gắng ép bản thân phải nghĩ được nhiều ý tưởng mới lạ vào buổi sáng thì kết quả thu được hoàn toàn phản tác dụng mà thôi.

Cách giải quyết cho vấn đề này là hãy dành nhiều thời gian lắng nghe bản thân hơn. Khi đó, nếu chúng ta đã nhận biết được thời điểm vàng cho năng lực logic và năng lực sáng tạo của mình, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp tính chất công việc phù hợp với từng thời điểm vàng đó. Lúc não bộ sáng tạo nhất, chúng ta sẽ làm các công việc liên quan đến phát kiến ý tưởng mới, hội họa, sáng tác. Còn lúc não bộ logic nhất, chúng ta sẽ dành cho những nhiệm vụ tính toán, lập kế hoạch, các công tác ngoại giao.

Vì vậy, khi đã khoanh vùng được khung thời gian sáng tạo, hãy tạm gác sự tập trung hay logic qua một bên và nhường chỗ cho những ước mơ, cảm xúc, sự tưởng tượng, sự thư giãn dẫn dắt đến thế giới sáng tạo nhất bên trong mỗi người.

#2: TẬN DỤNG GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG VIỆC NHÀM CHÁN

Trải qua sự nhàm chán giúp tăng khả năng sáng tạo của con người bởi vì khi thực hiện những công việc buồn tẻ và lặp đi lặp lại, não bộ của chúng ta đã có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Đó là trích dẫn từ đồ án nghiên cứu của nhóm tiến sĩ tâm lý tại trường đại học Central Lancashier, Anh Quốc để tìm câu trả lời cho giả thuyết liệu sự buồn chán có giúp tăng khả năng sáng tạo hay không. Các tiến sĩ đã thực hiện nghiên cứu khi chia các tình nguyện viên thành hai nhóm với số lượng bằng nhau. Nhóm thứ nhất được yêu cầu phải sao chép các trang danh bạ điện thoại bằng tay với mục đích gia tăng cảm giác buồn chán trong họ. Nhóm thứ hai không phải thực hiện công việc sao chép này. Kết quả là sau khi nhóm thứ nhất trải qua hàng giờ đồng hồ trong những trang danh bạ tẻ nhạt, họ được chuyển qua các hoạt động khác thì tư duy sáng tạo của họ trở nên vượt trội hơn đáng kể so với nhóm thứ hai.

Giá trị của sự nhàm chán là mang lại thời gian thư giãn cho cơ thể để sau đó tư duy của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, các giác quan nhạy bén hơn, cảm xúc dồi dào hơn và sức sáng tạo chắc chắn bùng nổ hơn bao giờ hết. Tương tự như kĩ năng #1, sức sáng tạo sẽ được phát huy nếu chúng ta biết cách sử dụng năng lượng não bộ hợp lý.

#3: ĐI BỘ

Một nghiên cứu được trường đại học Stanford công bố vào năm 2014 đã chỉ ra rằng hành động đơn giản nhất để gia tăng sự sáng tạo là đi bộ.

Nghiên cứu được thực hiện trên bốn nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên được yêu cầu đi bộ trên máy chạy bộ trong phòng tập thể dục. Nhóm thứ hai được yêu cầu chỉ ngồi yên trong không gian ngoài trời. Nhóm thứ ba được yêu cầu đi bộ ngoài trời và nhóm thứ tư được đẩy trên những chiếc xe lăn ngoài trời. Sau các quãng thời gian bằng nhau, bốn nhóm tập trung lại và cùng thực hiện một bài kiểm tra về tính sáng tạo. Kết quả là sức sáng tạo của hai nhóm đi bộ (đi bộ bằng máy thể dục và đi bộ ngoài trời) cao hơn đến 60% so với hai nhóm ngồi (ngồi một chỗ và ngồi trên xe có di chuyển). Như vậy, sức khỏe của trí óc liên quan mật thiết đến sức khỏe thể chất, nếu không tìm được những ý tưởng mới thì hãy đi dạo vài vòng trong sân hoặc quanh văn phòng nhé.

#4: KẾT NỐI CÁC KIẾN THỨC

Tiến sĩ Robert Epstein, giảng viên tại University of California (San Diego), đã tiến hành nghiên cứu cho thấy để có thể phát huy được khả năng sáng tạo, chúng ta nên biến những công việc dưới đây thành một phần tất yếu và lặp lại chúng thường xuyên, thậm chí là mỗi ngày nếu có thể:

– Ghi lại những ý tưởng mới trong một cuốn sổ tay, tạp chí, máy ghi âm, hoặc có thể là một chiếc khăn giấy nếu bạn đang dùng bữa hoặc ở ngoài đường.

– Dấn thân vào một vài kế hoạch táo bạo mà không cần quan tâm đến kết quả hay tính khả thi của nó, mục đích là để não bộ vượt qua vùng an toàn và chạm đến những điều tưởng chừng không thể. Tìm cách cho con chó biết bay là một ví dụ, Epstein cho rằng những công việc phi thực tế này sẽ giúp bộ não chúng ta tự liên kết các kiến thức có sẵn trước đó và tạo ra những ý tưởng mới lạ.

– Mở rộng kiến ​​thức bằng cách tham gia các lớp học hoặc đọc sách có nội dung không liên quan đến nghề nghiệp của bạn. Việc đa dạng kiến thức sẽ tạo nên những liên kết thần kinh mới, suy luận mới, hun đúc ngọn đuốc tri thức mỗi ngày một minh anh hơn, soi rõ hơn đến nhiều góc khuất của thế giới mà bạn chưa khám phá. Khi đã có nhiều kiến thức, bạn sẽ có thêm cơ sở dữ liệu để liên kết chúng lại và tạo ra những sản phẩm trí thức có sự đan xen, mới lạ, đa dạng.

– Bên cạnh việc tự thu nạp kiến thức, bạn cũng có thể xây dựng cho mình các mối quan hệ xã hội với những cá nhân thú vị và sáng trí, họ sẽ là người mang năng lượng tích cực và kiến thức mới đến cho bạn. Thường xuyên dùng bữa tối với những người bạn vui vẻ hoặc thay đổi cách bài trí bàn làm việc sẽ giúp bạn phát triển thêm những ý tưởng cơ bản.

Năm ngoái, Tạp chí Nghiên cứu Sáng tạo (Tập 20, Số 1) đã công bố một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng duy trì 4 thói quen kể trên đã thực sự phát huy tác dụng, giúp tăng cường sự sáng tạo. Bảy mươi bốn nhân viên văn phòng từ Quận Cam, California, đã thực hiện theo các bài tập cải thiện sự sáng tạo của Epstein và sau tám tháng luyện tập liên tục, tỷ lệ tạo ra ý tưởng mới của nhóm nhân viên này được đánh giá đã tăng lên 55%, nhờ các ý tưởng đột phá đó mà họ kiếm về cho công ty hơn 600.000 đô la và tiết kiệm được các khoản khác đến gần 3,5 triệu đô. Bạn thấy đó, đôi khi không cần phải chờ đợi ý tưởng mới xảy ra mà chúng ta có thể chủ động rèn luyện một vài thói quen đơn giản mỗi ngày bằng cách liên tục mở rộng kiến thức và xâu chuỗi chúng lại với nhau. Có thể bạn cũng sẽ nhận được kết quả mỹ mãn như bảy mươi bốn nhân viên ở California đấy.

#5: THAY ĐỔI NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT

Nhà thần kinh học Gregory Berns nói rằng chỉ khi chúng ta tiếp xúc với những điều chưa bao giờ trải qua thì não bộ mới được kích thích để suy nghĩ vượt khỏi lối mòn. Vì vậy, để kích thích trí tưởng tượng, hãy tìm kiếm những môi trường, công việc, nơi ở mà bạn chưa bao giờ đặt chân đến trước đây. Tiến sĩ Epstein cũng đã xác nhận quan điểm tương tự như phía trên đã đề cập, hãy bắt đầu thay đổi những thứ cũ kĩ trên tường nhà, bàn làm việc, những chủ đề nói chuyện hằng ngày, học một ngôn ngữ mới, đọc một quyển sách mới…

Thay đổi mọi thứ, ngay trong những điều nhỏ nhặt. Sự sáng tạo sẽ rất biết ơn nếu bạn mang đến những thức ăn tinh thần mới cho bộ não mỗi ngày.

#6: NGỦ

Năm 2004, tạp chí khoa học Tự nhiên (Tập 4, 6,972) đã công bố nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ có vai trò to lớn không chỉ đối với thể chất mà còn giải quyết các vấn đề tinh thần. Trong nghiên cứu, những người tham gia được giao nhiệm vụ giải những bài toán dài và tẻ nhạt, sau đó, họ được nghỉ giải lao trong 8 giờ đồng hồ. Kết quả là số người giải được bài toán sau khi ngủ trong giờ giải lao cao hơn gấp đôi so với người không ngủ. Giấc ngủ chính là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự sáng tạo của bạn. Và tương tự như đã đề cập trong #1 và #2, bộ não của chúng ta cũng cần được nghĩ ngơi và tịnh dưỡng trước khi phát huy hết công lực của nó.

Riêng với bản thân mình, tôi đã thử tất cả các kỹ thuật trên nhưng đúc kết lại tôi thấy đi bộ là hiệu quả nhất. Khi đang “bí” ý tưởng, tôi chỉ cần đứng dậy khỏi bàn làm việc, không mang theo điện thoại và đi bộ 10 phút là đã cảm nhận được sự đổi mới trong mình. Dường như trong 10 phút đó, tôi giải phóng được những suy nghĩ tù túng, thoát khỏi không gian chật hẹp, dọn dẹp các suy nghĩ cũ kĩ để nhường chỗ cho sự thông suốt và sáng tạo đến với mình.

Thôi không nói về tôi nữa, hãy tóm tắt nhanh lại 6 cách thức giúp tăng khả năng sáng tạo đã được khoa học chứng mình nhé:

#1: Thư giãn, đừng quá căng thẳng, đừng quá tập trung
#2: Xem những công việc buồn chán là cơ hội để bộ não được nghỉ ngơi
#3: Đi bộ
#4: Mở rộng và kết nối các nguồn tri thức như một thói quen hằng ngày
#5: Thay đổi môi trường ngay cả trong những điều nhỏ nhặt
#6: Ngủ để tăng khả năng sáng tạo

Hãy thử tất cả và chọn ra lọc cách thức thực sự tốt nhất cho bạn sau. Chúc bạn thành công nhé!

Nguồn: IDesign

Nếu bạn có những thắc mắc và các câu hỏi cần giải đáp trong công việc kinh doanh của bạn, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chuyên viên tư vấn của chúng tôi.

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ KHATECH – TRUNG TÂM ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU DIGITAL MARKETING KHATECH 

Trung tâm Đào tạo Digital Marketing Khatech đã hoạt động với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo chuyên sâu về Digital Marketing. Khatech đã khẳng định được vị thế uy tín trên thị trường cũng như xứng đáng là công ty hàng đầu về lĩnh vực Digital Marketing tại Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, Khatech còn có các dịch vụ về công nghệ thông tin như thiết kế website, quản trị nội dung số, SEO website lên top Google, dịch vụ Google Adwords, dịch vụ Marketing Online cho doanh nghiệp, giải pháp email cho doanh nghiệp… 

Mọi thắc mắc và yêu cầu hỗ trợ quý khách vui lòng liên hệ đến thông tin dưới đây:
Địa chỉ: 33 Mạc Đĩnh Chi – Phước Tiến – Nha Trang
Email: info@khatech.com
Website: www.khatech.com – www.khatech.net 
Hotline 24/7: 090 1919 787 – 0982 546 909

Khatech Academy

TP. HCM: 208 Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông , Quận 7. Số 41 Đ2KDC Jamona Golden Silk
TP. Nha Trang: 43 Lê Hiến Mai (A5), P. Phước Hải, TP. Nha Trang
Điện thoại: 090.1919.7870982.546.909
Email: info@khatech.com